Tiểu sử và Sự nghiệp Duy_Cường

Trước 1975

Duy Cường quê gốc Hà Nội, nhưng lại sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, là con trai thứ tư của nhạc sĩ Phạm Duy và danh ca Thái Hằng. Do không được sử ủng hộ của bố (nhạc sĩ Phạm Duy đã nhiều lần đập đàn để ngăn cấm các con[1]) nên Duy Cường cùng các anh đã tự mò mẫm học nhạc qua những nhạc cụ có sẵn trong nhà khi bố vắng mặt[2]. Đến năm 1969, Duy Cường đang ở nhà thì nhận được thư của anh cả là ca sĩ Duy Quang khi đó đang chơi nhạc tại Nha Trang đề nghị Duy Cường ra Nha Trang để tham gia với vai trò đánh organ cho ban nhạc The Free Ones (chuyên trình diễn cho những người lính Mỹ đang đóng quân). Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, Hai anh em Duy Quang, Duy Cường cùng Julie nhận được điện tín của nhạc sĩ Phạm Duy bắt tất cả phải người trở về Sài Gòn. Và khi biết rằng không thẻ ngăn cấm các con được nữa, Phạm Duy đã đồng ý cho các con theo đuổi đam mê và đã thành lập ban nhạc gia đình The Dreamers (còn được biết đến với tên gọi Ban nhạc Gia đình Phạm Duy), gồm Duy Quang (hát chính, bass), Duy Minh (trống), Duy Hùng (guitar), Duy Cường (keyboard, hòa âm), các giọng nữ chính có Julie, Vény (em gái Julie) [3] và sau này Thái Hiền[4] (với các bài bé ca và nữ ca), Thái Thảo (tại hải ngoại). Ban nhạc chuyên trình bày các nhạc phẩm do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác, phổ thơ và đặt lời Việt (và hầu hết các ca khúc được Phạm Duy viết trong giai đoạn này được Duy Cường đặt hợp âm). Dần dà cái tên The Dreamers trở thành cái tên quen thuộc trong các Đại Hội Nhạc Trẻ (Hippie À Go Go) do nhạc sĩ Trường Kỳ tổ chức[5] (bên cạnh những cái tên như The CBC, The Uptight, The Black Caps, The Strawberry Four, The Blue Jets...). Ngoài ra, ban nhạc còn trình diễn ở các địa điểm như Sở thú hay Trường La San Taberd và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ người hâm mộ, đặc biệt là các sinh viên thời bấy giờ.

Sau 1975

Năm 1978, nhạc sĩ Duy Cường cũng các anh vượt biên dưới sự giúp đỡ của gia đình nhạc sĩ Ngọc Chánh (riêng Duy Quang được Julie bảo lãnh sang Pháp trước đó vài tháng).

Nhạc sĩ Duy Cường kể lại: "Ngày 28.04.1975, bố mẹ tôi cùng Thái Hiền, Thái Thảo đi (di tản – NV). Lẽ ra ngày 29 thì tôi và anh em còn lại cũng đi, nhưng tối 28 pháo kích dữ dội. Thế là kẹt lại. Mãi đến 3 năm sau tôi mới vượt biên. Những ngày trên biển là những ấn tượng hãi hùng. Ngày tôi đi, bão cấp 8. Thuyền chao như cánh võng. Từ người lớn tới trẻ nhỏ đều ói, hết biết gì. Lẽ ra chỉ 2 ngày là tới nhưng đoàn chúng tôi đi lạc phải sau 8 ngày mới đến trại tị nạn ở Malaysia. Tháng 3.1979 tôi mới đặt chân đến Mỹ. Phải đến 2,3 năm sau tôi mới ổn định được tâm lý. Những giấc mơ về Sài Gòn và ấn tượng không dám ra biển mãi sau này mới nguôi dần…”[6].

Sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ, Duy Cường chính thức theo học hòa âm (tại Việt Nam anh cũng có theo học tại trường Quốc gia Âm nhạc nhưng phải bỏ dở vì sự kiện tháng 4 năm 1975). Và cũng tại đây, Duy Cường chọn phong cách âm nhạc bán cổ điển làm màu sắc chủ đạo trong các sản phẩm âm nhạc của mình. Năm 1982, Duy Cường thực hiện sản phẩm âm nhạc đầu tiên, đó là cuốn băng cassette "Thương Ai Nhớ Ai" với tiếng hát Thái Hiền. Và sau này là những album được đón nhận nồng nhiệt như "Ngày Xưa Hoàng Thị" (tiếng hát Thái Thanh), "Lời Gọi Chân Mây" (tiếng hát Thái Hiền - Tuấn Ngọc), "Dạ Khúc" (tiếng hát Lệ Thu)... Trước đó, vào năm 1987. Duy Cường thành lập trung âm PDC Musical Productions và cho ra đời cuốn Compact Disc (CD) đầu tiên của Việt Nam với 10 bản nhạc tình Phạm Duy. Ngoài ra, anh cũng làm lại hòa âm, hòa tấu cho các tác phẩm như Con đường cái quan,... Và hầu hết các sản phẩm hòa tấu của Duy Cường đều được thực hiện trên Computer chứ không phải do bất cứ dàn nhạc nào trình bày[7].

Cho đến nay Duy Cường đã hòa âm cho hàng trăm sản phẩm âm nhạc khác nhau cho nhiều nghệ sĩ tên tuổi, và anh vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu các phương pháp hòa âm.

Liên quan